Nhiều người đã từng ví Minh Hóa như một Vịnh Hạ Long trên cạn, bởi hệ thống núi đá vôi đồ sộ, có nhiều cảnh quan đẹp. Ở đó có những hang động rất đẹp với hệ thống thạch nhũ, dòng sông ngầm như: Hệ thống hang động Tú Làn ở xã Tân Hóa, Hóa Tiến, Quy Đạt; hệ thống hang Rục Ngầm ở xã Trung Hóa, Thượng Hóa, Hóa Phúc... Hệ thống núi đá vôi cùng với địa hình rừng núi đã tạo nên những khe suối có dòng chảy rất đẹp, nước rất trong và mát như: Thác Mơ ở xã Hóa Hợp; thác Bụt, suối nước Mộc ở xã Yên Hóa.
Trên tuyến đường Hồ Chí Minh và đường 12A qua địa bàn huyện Minh Hóa có hàng chục di tích lịch sử cấp Quốc gia và các di tích liên quan đến cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc như: đèo Đá Đẽo ở xã Thượng Hóa, ngầm Khe Rinh, hang Sân khấu ở xã Trung Hóa, nhà bia tưởng niệm liệt sỹ Thanh niên xung phong C892 Thái Bình ở xã Hóa Hợp.
Tại xã Hóa Tiến có cụm hang động từng là nơi đóng quân của Binh trạm 12, hang Bệnh viện, hang chứa xăng dầu, đạn dược... Xã Hóa Thanh có ngã ba Khe Ve từng là nơi đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Trên đường 12A qua xã Dân Hóa có 5 di tích lịch sử Quốc gia gồm: Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại đồi Cha Quang, tượng đài chiến thắng Bãi Dinh, Cổng Trời, trận địa Nguyễn Viết Xuân và tượng đài chiến thắng Cha Lo.
Ngoài ra, Minh Hóa còn có lễ hội Rằm tháng 3 truyền thống. Đó là một trong hai lễ hội lớn cấp tỉnh được tổ chức hàng năm vào ngày 15/3 Âm lịch. Lễ hội là nơi gặp gỡ, giao lưu của cộng đồng người Nguồn ở Minh Hóa, các dân tộc anh em trên địa bàn và khách du lịch các nơi.
Nhắc đến Minh Hóa, chúng ta không thể nhắc đến các làn điệu dân ca truyền thống, đậm chất nhân văn đã từng làm say lòng người như: hò thuốc cá, hò hôi lên, hát sắc bùa, ca trù.... Kể cả ngôn ngữ tiếng Nguồn cũng đang được xem như là “đặc sản” văn hóa mà chỉ có ở Minh Hóa mới có. Minh Hóa còn được biết đến là nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ riêng, có văn hóa riêng hết sức bí ẩn, có sức lôi cuốn du khách. Ẩm thực ở Minh Hóa cũng có rất nhiều món ngon như: bồi, ốc đực, cá mát, mật ong rừng, rượu đoác, rau tớn...
Với những tiềm năng lớn như vậy, tuy nhiên việc đầu tư và khai thác du lịch ở Minh Hóa vẫn còn rất nhiều hạn chế. Nhiều tiềm năng du lịch ở đây vẫn còn như “ngủ yên”.
Đến thời điểm này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh mới tổ chức được một số tour du lịch mạo hiểm khảo sát, khám phá cụm hang động Tú Làn ở xã Tân Hóa, hội Rằm tháng 3 và thăm lại chiến trường xưa trên đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 12A. Nhưng số lượng khách đến với Minh Hóa vẫn còn rất ít so với tiềm năng. Trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 400 khách du lịch đến với Minh Hóa.
Riêng cụm hang động Tú Làn đã được Công ty Chua Me Đất (Oxalis) đầu tư 30 tỷ đồng cho việc phát triển du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng... Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng đã đưa cụm hang động này vào quy hoạch du lịch Quảng Bình đến năm 2030. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở Minh Hóa vẫn còn rất nhiều khó khăn, hạn chế.
Bởi Minh Hóa là huyện miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Bình, giao thông đi lại vẫn còn khó khăn, khoảng cách địa lý xa trung tâm thành phố Đồng Hới. Mặt khác, Quảng Bình vẫn còn là tỉnh nghèo so với cả nước và Minh Hóa là huyện nghèo nhất của tỉnh. Ở đó, đời sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn nên việc đầu tư phát triển du lịch chưa được quan tâm nhiều. Các cấp, ban, ngành và người dân trong huyện vẫn chưa nhận thức, chưa thấy hết tầm quan trọng của việc phát triển du lịch. Nhiều di tích lịch sử cấp Quốc gia nằm trên địa bàn chưa được tôn tạo và bảo vệ nên đang xuống cấp nghiêm trọng. Các hang động đẹp gắn với lịch sử vẫn còn hoang sơ, chưa được khai thác. Hệ thống rừng nguyên sinh đang bị tàn phá, kể cả rừng ở khu vực Tú Làn. Lễ Hội Rằm tháng 3 đang ngày càng bị thương mại hóa nên các bản sắc dân tộc mang tính truyền thống cũng bị mai một, mất đi. Nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc như: sách lá, các làn điệu dân ca, ẩm thực vẫn chưa được nhiều người biết đến. Ngoài ra, công tác quảng bá hình ảnh du lịch ở Minh Hóa vẫn chưa được quan tâm nhiều. Cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các dịch vụ phục vụ cho du lịch còn rất nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách...
Mô hình du lịch cộng đồng tại bản Tà Vờng, xã Trọng Hóa đã được khảo sát.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: “Theo tôi, để phát triển du lịch ở Minh Hóa thì các cấp cần phải tạo ra một điểm đến có điểm nhấn, có thương hiệu. Điểm nhấn ở đây tôi muốn nói đến là cụm hang động Tú Làn ở xã Tân Hóa. Trước hết, chính quyền địa phương cần phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư vào khảo sát, xây dựng các hạng mục phục vụ cho du lịch như: xây trạm đón tiếp, bãi đỗ xe, làm đường vào cụm hang động. Đồng thời, khuyến khích người dân tự làm du lịch bằng việc đón khách vào sinh hoạt, sinh sống trong nhà, tạo điều kiện cho khách du lịch cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất và tìm hiểu văn hóa ở địa phương. Khi điểm nhấn Tú Làn có đủ sức thu hút thì nên đầu tư, phát triển các loại hình du lịch khác như: du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch khám phá văn hóa, thăm quan các di tích lịch sử trên địa bàn. Sau đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Minh Hóa. Tiếp tục duy trì, khơi dậy các giá trị văn hóa, giá trị lịch sử. Cần có chính sách tôn tạo lại các di tích lịch sử, các điểm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái. Chính quyền địa phương cùng với người dân cùng làm du lịch. Đó là phải thay đổi nhận thức, nhìn nhận đúng đắn hơn về du lịch... Bên cạnh đó, công tác bảo vệ rừng, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, quan tâm đến các loại hình dịch vụ phục vụ cho du lịch phải được đẩy mạnh. Về góc độ quản lý, chúng tôi cũng sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho việc phát triển du lịch ở huyện Minh Hóa...”
Ông Nguyễn Văn Kỳ cũng cho biết thêm: “Nếu du lịch Minh Hóa được quan tâm, đầu tư đúng với tiềm năng sẽ mang lại cho huyện nghèo này rất nhiều nguồn lợi. Trước mắt sẽ tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người lao động địa phương. Cơ cấu kinh tế của huyện cũng sẽ được thay đổi khi chuyển từ sản xuất thuần nông sang các loại hình dịch vụ. Khi du lịch phát triển sẽ làm cho các mặt hàng nông nghiệp có đầu ra, chất lượng ngày càng được nâng cao do nhu cầu của khách du lịch. Ngân sách của huyện theo đó sẽ được tăng lên, các ngành nghề liên quan càng có điều kiện để phát triển. Qua đó còn tạo động lực cho thế hệ trẻ tiếp cận, nâng cao trình độ ngoại ngữ; các loại hình văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, hình ảnh, vị thế... của Minh Hóa ngày càng được nâng lên”./.
Nguồn: http://dulichvn.org.vn