Tầm quan trọng của khả năng chống chịu
Là một quốc gia đang phát triển và có tốc độ đô thị hóa nhanh của khu vực, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc phát triển đô thị gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống của người dân. Tính đến tháng 9/2013, mạng lưới đô thị Việt Nam đã phát triển với gần 770 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 33%. Các đô thị đã khẳng định vai trò là động lực cho phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.
Tuy nhiên, phát triển đô thị cũng đi kèm với những rủi ro như chất thải rắn và nước thải từ nhiều nguồn khác nhau tiếp tục được xả ra môi trường mà không được xử lý phù hợp; việc thiếu các hạ tầng vệ sinh hoạt động hiệu quả, và hệ thống quản lý nước thải và chất thải rắn còn thiếu sót gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, sông, bờ biển, trong khi đây chính là nguồn cung cấp nước để sử dụng cho ăn uống, tắm giặt, bơi lội, đánh bắt thủy hải sản,... Ô nhiễm làm giảm giá trị đất đai, kìm hãm phát triển kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và hoạt động sản xuất; đồng thời cũng làm tăng chi phí cải tạo môi trường tại các đô thị.
Bên cạnh đó, là nước nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, Việt Nam được dự báo là một trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Đa số các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp của Việt Nam đều tập trung ở các vùng đồng bằng thấp, các khu vực ven biển, đây là những khu vực dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu (bão, lũ và nước biển dâng). Mực nước biển dâng được dự báo vào cuối thế kỷ 21 sẽ ảnh hưởng đến 10-20% dân số Việt Nam và tổn thất về kinh tế có thể lên đến xấp xỉ 10% GDP cả nước.
“Tác động của các hiện tượng liên quan đến biến đổi khí hậu như cơn bão Nari xảy ra gần đây tại Đà Nẵng đã cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của việc lập quy hoạch toàn diện cho các khu vực đô thị dễ bị tổn thương”, ông Erik Schweikhardt, Cố vấn trưởng của GIZ tại Đà Nẵng, nhận định, “...trong một số trường hợp quy hoạch đô thị chưa hoàn thiện, dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường, những tổn thương lớn hơn do hiện tượng thời tiết bất thường và làm gia tăng nguy cơ xung đột xã hội”.
Theo ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, việc xác định các giải pháp phù hợp để xây dựng các thành phố xanh và có khả năng chống chịu có tầm quan trọng đặc biệt, gắn liền với tiến trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa của Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung. Cụ thể, các giải pháp xây dựng thành phố xanh và có khả năng chống chịu bao gồm việc tích hợp các phương thức quy hoạch, quản lý đô thị và phát triển kinh tế sử dụng năng lượng hiệu quả, carbon thấp với việc tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai.
Đem lợi ích trực tiếp đến từng hộ dân
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Anh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết, trong những năm gần đây, Đà Nẵng phải đối mặt với những thách thức lớn của biến đổi khí hậu như: nhiệt độ tăng cao; tài nguyên nước suy giảm; sự gia tăng cường độ, tần suất thiên tai (mưa, bão, lũ);... đã và đang làm suy thoái đa dạng sinh học, mất đất, hư hại công trình, ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thành phố. Cơn bão Nari vừa qua, gây thiệt hại nghiêm trọng cho thành phố, là một trong những minh chứng rõ ràng nhất về tác động của biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng việc ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững của Đà Nẵng. Để thực hiện được điều này, Đà Nẵng đã có những chương trình, mục tiêu, kế hoạch cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực; trong đó lĩnh vực quy hoạch đô thị đóng vai trò hết sức quan trọng, là ưu tiên hàng đầu để định hướng và đảm bảo tính đồng bộ trong quá trình cải tạo và phát triển đô thị một cách bền vững. Cùng với đó là sự hỗ trợ về nguồn lực, kỹ thuật, kinh nghiệm từ những chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức và các quốc gia trên Thế giới.
Một trong những dự án đem lợi ích trực tiếp đến người dân đó là dự án hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Chuyển đổi Môi trường và Xã hội Việt Nam (ISET-Việt nam) và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã cung cấp các khoản vay tín dụng, hỗ trợ kỹ thuật và tập huấn để xây dựng và nâng cấp nhà ở chống bão cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Cơn bão Nari vừa qua gây nhiều thiệt hại cho thành phố Đà Nẵng, tuy nhiên 244 trong số 245 hộ gia đình tham gia chương trình nhà chống bão đã không hề bị hư hại (1 căn nhà bị hư hỏng do chưa được xây dựng xong).
Gia đình chị Phan Thị Ba, trú tại 315/11 Ngô Quyền, quận Sơn Trà, là một trong những hộ dân được hưởng lợi trực tiếp từ dự án trên. Những năm trước đây, cứ đến mùa mưa là căn nhà của gia đình chị ngập sâu trong nước gần 1m, gió bão đã làm bay tôn lợp mái nhiều lần, toàn bộ căn nhà bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2012, thông qua Hội phụ nữ phường Mân Thái, gia đình chị Ba được vay 25 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của dự án, với mức lãi suất 0,65%/tháng để cải tạo lại căn nhà. Với sự tư vấn, hỗ trợ thiết kế mô hình nhà chống bão từ các chuyên gia của dự án, căn nhà của gia đình chị đã không còn bị ngập, vững chắc trải qua mùa mưa bão năm 2012, và đặc biệt là cơn bão Nari vừa qua.
Có thể nói, phát triển đô thị bền vững thông qua việc xây dựng thành phố xanh và có khả năng chống chịu là sự lựa chọn tất yếu cho Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung.
Điều đó đòi hỏi cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phù hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, chính quyền các đô thị, sự tham gia của các tổ chức trong nước và quốc tế, các nhà nghiên cứu và nỗ lực của cộng đồng, như lời ông Hanns-Bernd Kuchta, Cố Vấn Trưởng của GIZ: “Tại Đà Nẵng chúng tôi vẫn còn thấy thiệt hại do cơn bão Nari, điều đó cho thấy tính dễ bị tổn thương của các thành phố đang đối mặt với biến đổi khí hậu và đô thị hóa tăng nhanh. Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức sẽ tiếp tục hợp tác với các bạn để giải quyết các thách thức lớn trong phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam”.
Nguồn: http://www.danang.gov.vn